Ngày 31-10, TAND TP.HCM tuyên án vụ vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng do bị cáo Phan Minh Tân (cựu giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cùng năm đồng phạm thực hiện.
Gây thiệt hại 22 tỉ đồng
Theo HĐXX, tại tòa mặc dù các bị cáo khai nhận có nhận thức khác nhau về hành vi phạm tội nhưng các bị cáo đều thừa nhận hành vi khách quan thực hiện. HĐXX có đủ căn cứ để xác định vào tháng 8-2009, sau khi Nguyễn Trọng Vũ (giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng) có công văn gửi Sở KH&CN TP đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học 5,1 tỉ đồng thực hiện dự án 1. Căn cứ kết quả thẩm định, ông Tân đã ký hợp đồng hỗ trợ 4,9 tỉ đồng, thời hạn 18 tháng; chia thành ba đợt và đã giải ngân đợt 1 là 3,5 tỉ đồng.
Ngày 5-4-2010, Công ty Huy Hoàng gửi báo cáo định kỳ tình hình thực hiện giai đoạn 1 của dự án cho Sở KH&CN TP. Thời điểm này công ty chưa hoàn thành giai đoạn 1 nhưng ông Tân cùng các đồng phạm vẫn kết luận đã hoàn thành và duyệt cấp kinh phí đợt 2 là 700 triệu đồng.
Sau khi nhận kinh phí đợt 2, Công ty Huy Hoàng không hoàn thành được dự án, không hoàn trả kinh phí phải thu hồi, gây thiệt hại hơn 3,1 tỉ đồng.
Đối với dự án 2 của Công ty Huy Hoàng đề nghị vay vốn 10 tỉ đồng, ông Tân đã lập hội đồng thẩm định và ban hành các quyết định đề nghị HIFU lập vay, ký kết hợp đồng tín dụng. Tháng 4-20190, HIFU ký hợp đồng cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỉ đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 0%, giải ngân nhiều đợt.
Các bị cáo không thực hiện đúng quy định về cho vay, cấp kinh phí cho dự án nghiên cứu khoa học gây thiệt hại tổng cộng 22 tỉ đồng.
Đối đáp giữa luật sư và VKS
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Minh Tân cho rằng không có chuyện ưu ái cho Công ty Huy Hoàng thực hiện dự án vì trong bối cảnh tại thời điểm thực hiện dự án nghiên cứu và sản xuất chip RFID. Theo đó, trong bối cảnh thời điểm năm 2008-2010 thì công nghệ chip ở Việt Nam chỉ có quy mô phòng thí nghiệm. Các nhà máy sản xuất công nghệ chip tại Việt Nam đều là của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài làm chủ.
Trong khi đó, công nghệ RFID được sử dụng rất phổ biến tại thị trường Việt Nam, chip gắn trên ô tô để thực hiện thu phí không dừng, chip gắn trên hàng hóa khi xuất nhập, lưu kho… cho nên việc phê duyệt cấp kinh phí đối với dự án khoa học này là phù hợp…
Đối đáp lại, đại diện VKSND TP.HCM phân tích rằng trong dự án 2, Công ty Huy Hoàng hoàn toàn không đủ khả năng tài chính vì sáu phiếu thu góp vốn đều là chứng từ khống và thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng không có giá trị để chứng minh tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ KH&CN chỉ phê duyệt chủ trương và chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức thực hiện; còn việc cho vay cụ thể thì các bị cáo phải tuân thủ theo quy định, quy chế quản lý quỹ. Đối với 14 giấy chứng nhận đăng ký quyền bản quyền thì VKS cho rằng đã kiểm tra và xác định nội dung đăng ký quyền bảo hộ này không phải sản phẩm của cả hai dự án.
Ngoài ra, cũng theo VKS tại dự án 1 sau khi giải ngân 3,5 tỉ đồng, mặc dù Công ty Huy Hoàng không hoàn thành nội dung công việc, nội dung cam kết nhưng các bị cáo vẫn phê duyệt để cấp tiếp kinh phí như vậy là trái quy định của pháp luật.
Mức án của các bị cáo
HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Minh Tân năm năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên bị cáo Phan Thu Nga (cựu trưởng phòng Quản lý khoa học) ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Võ Thùy Linh (cựu trưởng phòng Kế hoạch) ba năm tù; bị cáo Nguyễn Quốc Thái (cựu phó trưởng phòng Quản lý công nghệ) và Chu Bá Long (cựu nhân viên phòng Quản lý công nghệ) hai năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng Khuất Duy Vĩnh Long (cựu trưởng phòng Quản lý công nghệ) trong quá trình xét xử vụ án đã bỏ trốn và đang bị truy nã gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, thể hiện thái độ coi thường pháp luật nên bị tuyên phạt 10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại gây ra trong cả hai dự án là 22 tỉ đồng. Số tiền này cấn trừ vào số tiền các bị cáo đã khắc phục và số tiền Sở KH&CN TP.HCM đã thu hồi được. Các bị cáo có quyền khởi kiện Nguyễn Trọng Vũ (tổng giám đốc Công ty Huy Hoàng) trong một vụ án khác để đòi lại số tiền các bị cáo đã khắc phục.
(Nguồn: Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh)
- Bắt phó giám đốc Công ty Thành Bưởi (10/11/2023)
- Bộ Tư pháp lên tiếng về hai thông tư của Bộ Giao thông Vận tải (15/06/2023)
- Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức ‘đạo diễn’ đấu thầu như thế nào (15/06/2023)
- Bộ Công an: Vụ tấn công ở Đăk Lăk ‘có tổ chức, man rợ’ (23/05/2020)